Vitamin C có nhiều tác dụng như giúp sản xuất collagen là một protein chính của cơ thể ảnh hưởng đến làn da, tham gia sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh và hoocmon giúp hấp thu và sử dụng các yếu tố dinh dưỡng khác, đây cũng là chất chống oxy hóa rất quan trọng. Vì vậy, bổ sung vitamin C là một nhu cầu cần thiết của cơ thể người. Một trong những cách được lựa chọn là sử dụng viên C sủi nhưng đa phần đều chưa được tiếp cận đầy đủ các kiến thức về loại thuốc sủi bọt này.
1. Vitamin C viên sủi là gì?
Viên sủi vitamin C là một dạng thuốc sủi bọt đang được sử dụng khá nhiều hiện nay, khi thả vào nước viên sẽ sủi bọt mạnh thoát ra nhiều khí làm viên tan vỡ và tan hoàn toàn trong nước tạo thành dung dịch dễ uống. Một viên C sủi bọt thông thường hiện nay chứa khoảng 1g vitamin C, cao hơn gấp 16 lần nhu cầu vitamin C khuyến cáo hàng ngày.
Vitamin C là một chất mà cơ thể con người không thể tự sản sinh nhưng lại đóng vai trò quan trọng có tác dụng nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường chuyển hóa và phòng bệnh, tăng cường khả năng làm việc của cơ thể và điều hòa phản ứng oxy hóa khử của tế bào, giúp làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể cũng như kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên việc lạm dụng viên sủi vitamin C sẽ dẫn tới nhiều hậu quả cho cơ thể khi nhu cầu vitamin C mỗi ngày của cơ thể chỉ rơi vào khoảng 60 mg. Nếu dùng quá 500 mg vitamin C có thể làm dạ dày bị đầy hơi, quá 1000 mg sẽ dẫn tới rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, thừa sắt, viêm bàng quang, viêm tiết niệu,…
2. Uống nhiều C sủi có thể gây sỏi thận không?
Thực tế, nếu sử dụng vitamin C liều cao trong thời gian kéo dài hoàn toàn có thể làm tăng và kết tủa sỏi oxalat dẫn tới sỏi thận, đặc biệt là với liều trên 1000 mg/ngày. Khi sử dụng viên sủi bổ sung vitamin C nên dùng vào buổi sáng vì nếu dùng vào buổi tối có thể gây khó ngủ, dùng sau khi ăn để tránh gây kích ứng dạ dày.
Ngoài ra, người bị tăng huyết áp tuyệt đối không sử dụng thuốc dạng sủi bọt nói chung kể cả viên sủi vitamin C. Nguyên nhân là bởi vì một số bệnh nhân tăng huyết áp có chế độ ăn kiêng muối, nghĩa là không ăn mặn. Thực tế của việc làm này chính là kiêng natri trong muối ăn (natri clorid), tuy nhiên trong bất cứ thuốc sủi bọt nào cũng chứa natri nhằm phản ứng với acid citric có trong viên thuốc để gặp nước sẽ sủi bọt, nên có thể làm lượng natri tăng kéo theo huyết áp tăng vọt.
3. Làm thế nào để uống viên sủi vitamin C đúng cách?
Để sử dụng hiệu quả và tránh các tác dụng không mong muốn của viên sủi vitamin C thì người sử dụng cần chú ý một số điều sau:
- Không uống viên sủi vitamin C nhiều lần trong ngày, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em muốn bổ sung vitamin C cần tuân theo những chỉ định cụ thể của bác sĩ.
- Không nên uống viên sủi vitamin C vào buổi tối vì có thể gây kích ứng nhẹ dẫn tới khó ngủ.
- Bảo quản vitamin C đúng cách ở trong hộp kín, nơi khô ráo, tốt nhất ở dưới 25 độ C và tránh những nơi ẩm thấp, tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.
- Một số chống chỉ định đối với sử dụng viên sủi vitamin C là người tăng huyết áp, người bệnh thận.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hải – Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ, Đà Nẵng, vitamin C dạng viên sủi được tổng hợp bằng công nghệ hóa dầu, khi chúng ta sử dụng thường xuyên sẽ làm tăng hấp thu canxi từ ruột vào, khiến canxi trong máu cao.
Tuy nhiên, nếu dùng liên tục trong thời gian dài hơn 3 tháng sẽ gây ra bệnh sỏi thận (sỏi oxalat). Tương tự, đặc biệt là với trẻ em, sử dụng quá nhiều vitamin C dạng viên sủi còn có có nguy cơ loét dạ dày, tiêu chảy…
Tiếp đến, lạm dụng viên C sủi có thể gây hại đối với người bệnh tăng huyết áp và đang dùng thuốc để kiểm soát tăng huyết áp, những người bị suy thận…
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hải, vitamin C là chất dinh dưỡng hằng ngày chỉ cần bổ sung từ 60-100mg là đủ. Trong khi với viên C sủi, vitamin C có hàm lượng lên tới 1.000mg/viên, chúng ta uống mỗi ngày 1 viên là đã dư thừa.
Vậy nên, cách tốt nhất khi dùng vitamin C là chỉ nên bổ sung ngắn hạn (dưới 3 tháng). Còn với liều từ 3 tháng trở lên, người sử dụng nhất định cần được bác sĩ tư vấn.