Tết Trung thu là một dịp lễ ý nghĩa và được nhiều quốc gia tổ chức rình rang, không riêng gì Việt Nam. Hãy cùng khám phá xem người dân các nước châu Á ăn mừng ngày lễ này thế nào nhé!
1. Việt Nam
Trẻ em là “nhân vật chính” mỗi dịp Trung thu. Càng gần đến ngày rằm, đường phố càng bày bán nhiều đèn lồng, đồ chơi và bánh kẹo để phục vụ các khách hàng nhí. Đường phố được trang hoàng rực rỡ với những chiếc đèn lồng, đèn ông sao sáng lấp lánh.
Mâm cỗ cúng thường tràn đầy màu sắc nhờ bưởi, hồng và bánh trung thu. Cả nhà sẽ quây quần cùng ngắm trăng, rước đèn và phá cỗ. Nhiều nơi còn có hẳn đội múa lân biểu diễn góp vui. Trong ngày này người ta có tục đeo mặt nạ để xua đuổi linh hồn một con hổ dữ có âm mưu nuốt chửng trăng tròn, gây ra nguyệt thực.
2. Trung Quốc
Trung thu là lễ hội lớn thứ 2 ở Trung Quốc, chỉ đứng sau Tết Nguyên Đán. Ngày lễ này bắt nguồn từ thời nhà Chu (1046 – 256 TCN), người dân bắt đầu nhận ra mặt trăng có chu kỳ riêng, ảnh hưởng đến mùa vụ. Họ tổ chức lễ hội và hiến tế vào ngày rằm tháng 8 để cầu mùa màng bội thu, dân cư ấm no hạnh phúc.
Vào dịp lễ này, người dân Trung Quốc trở về sum họp cùng gia đình, ăn tối và thưởng thức bánh trái truyền thống với nhau. Một số địa phương còn tổ chức lễ hội rước đèn lồng, múa lân và múa sư tử để giúp vui.
3. Hàn Quốc
Còn gọi là lễ Chuseok, tết Trung thu là một trong những ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc. Vào dịp này, người dân được nghỉ làm tận 3 ngày để sum vầy cùng người thân, về quê viếng mộ tổ tiên. Trên mâm cúng tổ bao giờ cũng tràn đầy những món ăn đủ cả sắc – hương – vị.
Người Hàn Quốc rất chuộng các món truyền thống ngày Trung thu như bánh gạo nếp ngọt hình bán nguyệt, bánh trứng chiên gọi là jeon, thịt viên áp chảo, bánh đậu xanh và rượu gạo. Họ thường tặng nhau những món quà ý nghĩa và tốt cho sức khỏe như thịt bò, dầu ăn, hoa quả, nhân sâm.
4. Nhật Bản
Tại Nhật, lễ Trung thu còn được gọi là Tsukimi. Các gia đình sẽ trang trí susuki (cỏ lau) gần cửa sổ hướng về phía đông và bày mâm cúng cùng những thức quà theo mùa như khoai lang.
Bạn còn nhớ câu chuyện về thỏ ngọc sống trên cung trăng không? Ở xứ sở hoa anh đào, người ta nói rằng thỏ ngọc cũng làm bánh gạo tsukimi dango để mừng lễ Trung thu! Mọi người trong nhà sẽ hội tụ cùng nhau, thưởng thức bánh gạo, uống trà hoặc saké và ngắm trăng. Ngoài ra, họ còn dùng các loại thức ăn phổ biến như hạt dẻ, mì kiều mạch, khoai môn và bí ngô.
5. Hong Kong
Người xứ Cảng thơm ở Tai Hang, vốn xuất thân từ làng chài ngoại thành Hakka, có cách mừng lễ Trung thu vô cùng độc đáo. Năm 1880, cư dân nơi này gặp phải thiên tai, gia súc chết hàng loạt. Để xua đuổi vận rủi, nghênh đón số may, họ tổ chức múa lửa tròn 3 ngày.
Vũ điệu này vẫn được duy trì đến tận ngày hôm nay. Người dân dựng một con rồng bằng rơm, cắm đầy nhang đang cháy và diễu hành khắp các con phố. Hai chàng thanh niên ôm quả bưởi cắm đầy nhang sẽ dẫn đầu đoàn múa. Phong tục này đã được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2011 của Trung Quốc.
6. Đài Loan
Mừng lễ Trung thu với thịt nướng đã trở thành truyền thống của Đài Loan từ thập niên 80, nhờ sự tuyên truyền tích cực của các công ty nước sốt thịt nướng. Hình ảnh người nhà quây quần cùng nhau phết nước sốt đã trở thành hình ảnh biểu trưng cho việc sum họp trong ngày lễ. Do đó, người dân xứ Đài cực kỳ coi trọng văn hóa nướng thịt này.
Tuy nhiên, chính phủ đã phải dẹp bớt các địa điểm nướng thịt vì lo ngại tổn hại môi trường. Tiệc nướng công cộng chỉ được phép diễn ra ở một số công viên ven sông và các khu vực được chỉ định khác.
7. Singapore
Đối với người dân Singapore, Tết Trung thu là thời điểm “vàng” để gửi lời chúc thân tình đến người thân và đối tác kinh doanh. Trong dịp này, họ thường tặng nhau bánh trung thu. Hoạt động phổ biến nhất trong lễ hội ở đảo quốc sư tử là rước đèn lồng. Với lợi thế cảnh đẹp sẵn có, người Singapore không thể bỏ qua cơ hội thu hút thêm khách du lịch.
Vài tuần trước khi lễ hội bắt đầu, những chiếc đèn nhiều hình thù sặc sỡ sẽ được trang trí ở nhiều nơi trên đảo. Bánh trung thu ở Singapore có hương vị khá đặc biệt so với bánh tại Trung Quốc, phổ biến nhất thường là bánh nhân sầu riêng.
8.Thái Lan
Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là “lễ cầu trăng”, tổ chức vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Theo truyền thuyết, vào ngày này Bát Tiên sẽ mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm.
Do đó, họ rất chuộng làm bánh hình quả đào. Trong đêm Trung thu, tất cả mọi người đều tham gia lễ cúng trăng, ngồi quanh bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất đến với mình và người thân. Trong ngày này, dân Thái cũng thường ăn bưởi và bánh nhân sầu riêng để mong được viên mãn, sum vầy.
9. Malaysia
Đoàn tụ cùng gia đình để ăn bánh, ngắm trăng và treo đèn lồng đã là phong tục bất biến của người Malaysia gốc Hoa tại đất nước này. Chịu ảnh hưởng rất nhiều từ người Trung Quốc nên tết Trung thu của Malaysia cũng khá tương đồng với đất nước tỷ dân. Trên đường phố xuất hiện các tiệm bánh trung thu dày đặc, đoàn múa lân, múa sư tử cũng diễu hành rộn ràng khắp nơi.
10. Philippines
Ngày lễ đến gần, các khu phố Tàu và khu dân cư tập trung nhiều người Hoa ở Philippines trở nên rực rỡ sắc màu nhờ các biểu ngữ và đèn lồng sặc sỡ, nhất là phố người Hoa ở Manila. Các cửa hàng bánh trung thu mọc lên khắp nơi trên đường phố.
Ngoài ra, họ còn tổ chức nhiều hoạt động giải trí thú vị như múa rồng, múa trong trang phục truyền thống Trung Quốc, diễu hành với đèn lồng và xe ô tô.