Bà mẹ trẻ đến từ Hà Nội Bùi Hoàng Ly Ly (sinh năm 1987) đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích dưới đây để các mẹ biết cách chăm sóc cho bản thân và bé yêu tốt hơn.
Mỗi người có một quan niệm khác nhau về việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé sau sinh. Với các bà mẹ vừa sinh con, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ, không phải ai cũng dạn dày kinh nghiệm để có thể chăm sóc cho bản thân và thiên thần nhí của mình một cách tốt nhất. Nhất là khi mới sinh, các mẹ còn yếu lại đối mặt với rất nhiều công việc của người mới làm mẹ, cộng thêm sự tham gia ý kiến của đông đảo người thân trong gia đình, mâu thuẫn trong quan điểm chăm sóc mẹ và bé không chỉ khiến tâm lý các mẹ thêm mệt mỏi mà nguy hiểm hơn, nó còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Từ những kinh nghiệm của bản thân sau khi sinh bé Mun (hiện đã được 2 tuổi), cùng với những kiến thức khoa học học hỏi được từ nhiều cuốn sách khác nhau, bà mẹ trẻ đến từ Hà Nội Bùi Hoàng Ly Ly (sinh năm 1987) đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích dưới đây để các mẹ biết cách chăm sóc cho bản thân và bé yêu tốt hơn.
1. Bớt nhồi ăn cho mẹ – thêm số lần cho con bú
Mẹ hoàn toàn không cần 3 bát cơm lèn với nửa cái chân giò, 3 bữa chính 6 bữa phụ bồi bổ thật nhiều thực phẩm cao siêu. Nạp nhiều chất béo động vật dễ khiến mẹ tăng nguy cơ tắc sữa và bệnh tật. Các mẹ nuôi con nhỏ chỉ cần chế độ ăn bình thường, đa dạng chất dinh dưỡng là đủ.
Cho con bú theo nhu cầu của con (Ảnh minh họa).
Còn em bé, sau khi ra đời, dạ dày bắt đầu hoạt động với chức năng chứa sữa. Ngày 1, dạ dày bé chỉ chứa tầm 5-7ml, ngày 2 tăng 10-20ml, ngày 3 lên 30ml. Vì lượng chứa ít nên mẹ cần tăng cữ bú cho các bé. Phản xạ bú mút của bé giúp mẹ kích sữa và cũng là cách giúp bé trấn an nên hãy yên tâm cho bé bú, đừng đổ tại mẹ không có sữa nên con bú mãi không dừng.
2. Thêm số lượng đồ ăn phong phú cho mẹ – chỉ duy nhất sữa mẹ cho con
Rất nhiều mẹ thường bị bắt kiêng ăn món này, kiêng ăn món kia nhưng lại bị “nhồi” ăn thịt mà hạn chế rau củ quả. Để có sức khỏe tốt, hạn chế “hậu quả” sau sinh (như bệnh táo bón) mẹ cần được ăn nhiều thực phẩm đa dạng.
Còn bé thì sao? Đương nhiên sữa mẹ là đủ, không cần sữa non, sữa bột ABC từ nước này, nước kia. Không nước, không nước đường, không nước cơm chắt, không cần men tiêu hóa hay thuốc bổ, thực phẩm chức năng gì hết.
3. Thêm quan tâm tinh thần mẹ – bớt lo lắng đọc vị sai mong muốn của con
Sau khi sinh con trẻ thành số 1. Ngoài việc được chăm sóc là nhồi ăn, thường người mẹ bị phớt lờ các nhu cầu khác. Thêm vào đó, có rất nhiều vấn đề của con khiến mẹ bị đổ lỗi là vụng về, không có kinh nghiệm và dễ rơi vào trầm cảm. Tinh thần mẹ không tốt thì con cũng bị ảnh hưởng nên nếu muốn con cháu mình ngoan, khỏe, vui vẻ hãy quan tâm cả mong muốn nguyện vọng của mẹ. Hãy để các mẹ có cơ hội được nói, được học tập, được thể hiện và quan trọng là được tự quyết vì xét đến cùng mẹ mới là người gần gũi và chịu trách nhiệm lớn nhất với mọi đứa trẻ.
Trẻ mới sinh có nhiều biểu hiện bình thường nhưng do thiếu hiểu biết nên người lớn thường rối lên tìm cách phá bỏ sự bình thường đó rồi lại gây bệnh. Ví dụ trẻ bú mẹ phân biến đổi, trẻ mới sinh xì xoẹt nhiều đổ là tại mẹ không “giữ miệng”, vội cho mẹ ăn khô rồi cho con uống men tiêu hóa. Con bú mẹ ngủ động đậy nhiều lại đổ cho mẹ ít sữa làm con đói hay tại bé thiếu canxi…
4. Thêm sạch sẽ cho mẹ – bớt vệ sinh cho con
Thời mẹ đẻ ở chòi, tắm giếng không che chắn qua rồi. Nay phòng kín nước ấm, các mẹ phải tắm rửa sạch sẽ để không biến thành ổ khuẩn di động trong khi ngày ngày mẹ phải ôm ẵm cho con bú.
Còn con? Không cần ngày nào cũng ngoáy tai, ngày nào cũng tắm gội. Với trẻ bú mẹ, không cần phải rơ lưỡi hàng ngày, trừ khi bé nôn trớ có cặn sữa.
5. Mẹ ít nằm – con thêm vận động nằm sấp
Một số gia đình kiêng kĩ, bắt mẹ nằm không cho ngồi, không cho đứng sợ… rớt dạ con, sợ già đau lưng. Thực ra mẹ nên sớm ngồi và vận động nhẹ nhàng sẽ nhanh phục hồi.
Với trẻ sơ sinh, cho trẻ nằm sấp mọi lúc khi con thức sẽ giúp con phát triển cơ, xương, khả năng vận động và nhận thức hơn nhiều đó.
6. Mẹ năng đi lại – con ít bế rong
Việc đi lại có thể giúp mẹ thoát khỏi 4 bức tường, ra ngoài hít thở không khí trong lành trong điều kiện khí hậu bên ngoài không khắc nghiệt. Việc giam mẹ 1 tháng trong nhà thật sự gây ức chế tâm lý và khó chịu cho các mẹ mới sinh.
Quấn khi bé ngủ giúp bé đỡ giật mình và ngủ ngon hơn (Ảnh: Bé Mun khi còn nhỏ).
Khi trẻ ngủ, cần đặt bé nằm ngửa, hạn chế bế bé ngủ và bế dong sẽ không tốt cho bé.
7. Bớt chê mẹ béo – bớt chê con gầy
Các mẹ mất 10 tháng để làm “cái tổ ấm” cho con sinh ra đẹp lung linh. Không thể bắt mẹ đẻ xong 1, 2 tháng là xóa sạch hết đống mỡ bụng đi được.
Trẻ sinh ra 2,8 – 3,2kg là vừa, không cần to quá. Tuần đầu sau sinh, số cân nặng của trẻ giảm 10-15% cân là hiện tượng sinh lý bình thường. Tùy từng trẻ mà mấy tháng đầu tăng vài lạng hay 1-2kg không vấn đề gì hết.
8. Giảm nhiệt độ phòng – bớt quần áo cho cả mẹ cả con
Mẹ sau sinh rực sữa, cũng nhiều mẹ béo nên sẽ thấy nóng hơn bình thường. Không cần phải mặc quá ấm và kín mít, như thế làm sao mẹ thoải mái chăm sóc con được.
Còn lũ trẻ, chúng nóng hơn người lớn nhiều. Nhiệt độ phòng khoảng 22-26 độ là phù hợp. Bé sinh mùa đông không cần nhiều áo chăn vì trong nhà khá ấm, bé sinh mùa hè mặc 1 bộ cotton là được.
9. Nới thêm tã quấn – bớt mũ bao tay cho bé
Các mẹ nên chọn cho bé các loại quấn bằng cotton co giãn để bé dễ chịu. Quấn khi ngủ còn thức để bé khua khoắng chân tay tự nhiên. Tầm 2-3 tháng thì cai quấn dần. Việc dùng tã truyền thống bằng vải không co giãn rồi lại bó chật cứng có thể làm bé khó chịu, thậm chí tật nguyền. Vứt bớt mũ và bao tay để bé được thoải mái và phát triển nhận thức tốt hơn.
10. Đọc sách nhiều hơn – bớt tám mấy hội không uy tín
Đừng tiếc tiền mua sách vì kiến thức được chọn lọc in trên sách đáng tin và dễ tra cứu hơn trên mạng. Đừng tham gia mấy hội mác nuôi con này nọ, thực ra là bán hàng trá hình sẽ gây lệch lạc nhận thức.