Xu hướng chọn rau sạch đang dần thay đổi trước tình trạng chất lượng an toàn thực phẩm kém đi và thực phẩm bẩn “lên ngôi”. Thay vì chọn những mớ rau xanh mướt, cành lá mập mạp thì các bà các mẹ đang tìm đến những sản phẩm với chất lượng “vừa đủ” cùng niềm tin đó là rau sạch, rau an toàn.
Vậy làm thế nào để phân biệt rau sạch? Làm thế nào để biết rằng mớ rau trên tay không bị tưới nước thải hay dùng những chất hóa học, kích thích để phát triển?
Dưới đây là một số mẹo cho chị em nội trợ khi chọn mua rau:
Cách nhận biết rau sạch
Đối với rau ăn lá
Màu sắc: Không nên chọn những bó rau có màu xanh quá đậm, quá mướt. Chỉ nên chọn những loại rau có màu xanh nhạt, có vẻ hơi khằn một chút.
Ngọn rau: Không nên mua những mớ rau có ngọn vươn quá dài vì chúng thường là biểu hiện cho việc dùng thuốc kích thích sinh trưởng quá liều và không đảm bảo thời gian cách ly.
Không nên chọn những mớ rau quá xanh tốt
Gốc rau: Thử bẻ ngang phần gốc, nếu thấy có nước từ thân rau tiết ra, cho thấy rau này dùng đạm vượt mức cho phép, hàm lượng Nitrat trong rau là rất cao, nên tránh sử dụng.
Đối với rau ăn củ và quả
Kích thước: Không nên chọn những củ, quả có kích thước quá lớn mà nên chọn những loại củ, quả có kích thích vừa phải, hơi nhỏ là được.
Vỏ ngoài: Không nên chọn những trái da căng bóng, bắt mắt, có vết nứt dọc theo thân, bởi có thể chúng được bón quá nhiều đạm hoặc thuốc trừ sâu.
Những củ quá lớn và có vỏ ngoài căng bóng là biểu hiện của sản phẩm dùng chất kích thích
Mẹo phân biệt một số loại rau sạch
Rau cần: Tránh mua những mớ rau có thân phình to bất thường, màu trắng nõn nà, ngó rau trắng ngần bắt mắt, rau nhanh bị héo và khi chế biến thì rau biến thành màu xanh đen. Đây là loại rau cần đã bị phun quá nhiều thuốc trừ sâu và phân bón qua lá. Chỉ nên chọn rau cần loại nhỏ, màu xanh non vừa phải.
Rau bí: Không nên mua những ngọn rau dài và non, khoảng cách giữa các lóng xa nhau, ngọn bí màu xanh nhạt, lá màu xanh đen và tay cuống ngắn và mập, ít lông tơ vì đó là rau bí nhiều đạm, phun nhiều thuốc trừ sâu độc hại.
Rau ngót: Không nên chọn rau ngót có lá to, màu xanh mướt, lá rau ngót mỏng. Thay vào đó, hãy chọn rau ngót có lá sẫm màu và dày lá hơn.
Có nhiều cách để nhận biết rau sạch, thực phẩm sạch
Cà chua: Cà chua sạch không có màu đỏ tươi đồng đều mà lấm tấm chỗ vàng cỗ đỏ, vẫn có cuống và khi chế biến thì thịt có màu đỏ tươi, không bị xơ hoặc cứng. Cà chua bị chín ép, có chứa chất độc hại thì màu đỏ bắt mắt, đồng đều, mất cuống, khi chế biến phần thịt không bở tơi mà vẫn cứng.
Đậu cô ve: Loại đậu dư thừa chất hữu cơ thường quả dài, bóng, hiếm thấy lông tơ, phân đốt rõ và khó tìm thấy quả nào có vết sâu bệnh.
Mướp đắng: Mướp đắng chứa nhiều đạm, chất kích thích sinh trưởng là những loại quả có kích thích to, màu xanh đậm, da láng bóng và mướt, thân phình to, chất lượng kém và khi ăn thường bị ngộ độc. Nên chọn mướp đắng có kích thước vừa phải, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti, cầm chắc tay sẽ chất lượng và đảm bảo an toàn hơn.
Giá đỗ: Không nên chọn những cọng giá tròn lẳn, cọng ngắn, ít rễ hoặc không có rễ, thân trắng nõn, khi chế biến có nước đục, mùi vị không thơm ngon và dễ gây độc hại. Giá đỗ sạch có màu trắng nhạt, thân và rễ dài nhưng khó bị gãy.
Ngoài những mẹo nhỏ để nhận biết thực phẩm sạch, rau sạch thì người tiêu dùng cần trang bị cho mình một số thiết bị máy đo nồng độ chất cấm, chất bảo quản. Đồng thời, cần có cho mình những địa chỉ mua hàng an toàn, những siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm sạch đảm bảo chất lượng và đã được kiểm định.
Người tiêu dùng cũng cần chú ý thêm là không nên mua những loại rau củ trái vụ vì những loại rau trái mùa thường dễ bị sử dụng chất kích thích và thuốc trừ sâu hơn.